Bánh hỏi – Bánh nậm : Đặc+sản-của-tui

BaiHoiTôi vừa thoát khỏi YahooMail và như thường lệ, nó tự động chuyển đến trang chủ của Yahoo, tôi liền bấm nút Close để đóng lại nhưng thoáng nhìn thấy một bài viết có tiêu đề “Bánh hỏi đất võ”, liền truy cập lại. “Vì sao thế ?”
Đơn giản đó là món ăn ở quê Nội tôi (Bình Định), mỗi lần tôi về quê để thăm Ông Bà (giờ chỉ còn mỗi Bà thôi), thì Bánh hỏi là món luôn có mặt trong bàn ăn, bất kể sáng-trưa-chiều-tối. Có lần tôi đã thốt lên “Lại bánh hỏi hả Chú ?” – Chú tôi trả lời : “Sao, ngán rồi hả, mai mốt vào Nam lại thèm cho coi !”.
Và quả thật khi rời xa mới thấy rất thèm. Ở Vũng Tàu và Tp.HCM, có một số chỗ bán Bánh hỏi nhưng trước giờ, nhà tôi chỉ ăn của một người gốc Bình Định làm mới thấy ưng ý, những người khác làm món này ăn rất dở. Giờ thì người này cũng không còn bán nữa, đành nhịn vậy, tết này về quê ăn tiếp. Cái cảm giác ăn Bánh hỏi chấm với mắm ớt chính gốc thật là đã ! Tính từ lúc nhỏ tới giờ thì tôi đã về quê được khoảng 6 lần và 2 món ăn mà tôi xem là đặc sản đó là Bánh xèo và Bánh hỏi, lần nào về cũng không “thoát” khỏi 2 món này.
Đó là 2 món bên Nội, còn bên Ngoại thì cũng rứa : bánh Nậm và bánh Bột lọc, đặc sản của Huế. Có lần Ông bà Ngoại tôi bên Mỹ về và làm 2 món này, huy động cả một “đội quân” : dâu-rể-con-cháu cùng làm, mỗi người một việc và dĩ nhiên “tướng” chỉ huy là Bà Ngoại tui rồi 🙂 . Kết quả khỏi phải nói, sau khi làm xong thì cũng bị chính “đội quân” đó “càn quét” sạch sẽ. Đó là lần đầu tiên tôi ăn bánh Nậm và ăn rất nhiều là khác, đó cũng là lần đầu tôi biết Huế có món đặc sản khác Bún bò Huế, bánh Nậm. Sau đó không lâu, chúng tôi có dịp ra Huế và tại đây lại được thưởng thức 2 món này một lần nữa và kết quả : bị “quét” sạch sẽ và như thường lệ, tôi “xử” món bánh Nậm đến khi trong rổ không còn cái nào. Đây là món duy nhất tôi ăn hoài mà không thấy ngán, ở Tp.HCM và Vũng Tàu, không biết có chỗ nào bán không nữa (giá bình dân thôi nha, hehe). Biết-tới-liền !

BanhNam
BanhHoi
Xin trích đăng :

Bánh hỏi là một món ăn đặc sản của Bình Định. Bánh hỏi được bán khá phổ biến và ngon nhất là ở khu vực ngã ba Phú Tài (TP Quy Nhơn). Có dịp đi ngang qua TP Quy Nhơn, bạn sẽ thấy hàng chục quán ăn với món cháo lòng, bánh hỏi, món điểm tâm quyến rũ khách phương xa. Giá một cân bánh hỏi tẩm dầu rắc hẹ chỉ hơn chục ngàn đồng, nhưng có thể đủ ăn cho 4-5 người trong một gia đình…
Theo người Bình Định, bánh hỏi có từ rất lâu đời, cũng là thứ bánh làm từ bột gạo như mọi loại bánh truyền thống khác ở Việt Nam. Nhưng thứ bánh hỏi của “xứ nẫu” vẫn cứ là lạ. Lúc đầu mới làm ra loại bánh lạ này, ai thấy cũng hỏi là thứ bánh gì. Có lẽ vậy nên cái tên “bánh hỏi” được khai sinh chăng? Theo nhiều chuyên gia về ẩm thực phân tích thì bánh hỏi chính là “biến thể” của bún tươi có ở nhiều vùng miền nước ta. Tuy nhiên có lẽ nghề làm bún xuất xứ từ miền Trung. Người nông dân đất võ thấy sợi bún lớn có ở nhiều nơi nên đã chế biến làm cho sợi bún nhỏ lại.
Bánh hỏi và bún có cách chế biến gần giống nhau, tuy nhiên bánh hỏi được làm công phu và tỉ mỉ hơn. Quy trình làm bánh hỏi của người dân đất võ đại thể như sau: gạo được vo sạch, sau đó ngâm với nước một đêm (khoảng 10-12 giờ). Xong vớt gạo ra đem xay nhuyễn bằng cối đá hoặc sau này xay bằng máy xay bột.
Người ta cho nước bột gạo sền sệt vào chiếc bao vải sạch, để cho ráo nước. Đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký gọi là “giảo” bột giống như cách làm bánh canh; tiếp theo đưa vào một khuôn và ép thành bánh. Khuôn bánh hỏi ở trên to, còn ở đáy khoan những lỗ nhỏ li ti. Bí quyết nghề làm bánh hỏi là nhờ chiếc khuôn bánh. Lỗ khuôn nhỏ quá bột sẽ không chạy qua, lỗ quá lớn sợi bánh sẽ lớn như sợi bún thường…
Người ta ép bánh từ các khối bột đã nhào nặn sẵn, bỏ vào khuôn rồi dùng một khối gỗ vừa lòng khuôn ép cho bột chảy ra. Bột khá đặc, lỗ lại nhỏ nên cần sức ép lớn, người thợ phải dùng hệ thống đòn bẩy. Sức ép trên mặt khuôn rất lớn. Một người ép một người bắt bánh. Mỗi lần ép đòn bẩy xuống là những vòi bột loăn xoắn tuôn ra ở đáy khuôn. Người thứ hai dùng tay ngắt ra từng đoạn nhỏ, đưa vào nồi hấp cách thủy một lần nữa mới đem ra thị trường tiêu thụ.
Khi ăn bánh hỏi, người Bình Định thường cho thêm chút dầu phụng hoặc dầu dừa đã khử hành chín. Dầu ăn trộn với lá hẹ xắt nhỏ, tẩm lên từng miếng bánh làm cho hương vị bánh hỏi rất lạ, kích thích khẩu vị. Khi ăn chỉ cần làm một chén xì dầu với ớt, tỏi, đường giã nhuyễn, vắt thêm miếng chanh tươi là có món điểm tâm sáng thật tuyệt rồi…
Nhìn những miếng bánh hỏi trắng muốt, điểm những hạt xanh xanh của lá hẹ, chút dầu ăn thơm thơm bỗng thấy thèm ăn ngay. Người dân đất võ có câu: “Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ, Em thương một người có mẹ không cha, Bánh xèo bánh đúc có hành hoa, Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn…”.
TÚ ÂN (Quy Nhơn)

3 Comments
  1. nhin thay banh nam, banh loc, banh canh cac loai banh o hue them qua. tui cung la nguoi hue da lau lam roi khong duoc an nho qua.

  2. Khách hàng có nhu cầu chế tạo máy làm bánh hỏi theo công nghệ tiên tiến hiện đại, năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hãy liên hệ với xưởng cơ khí của mình, Anh Bảo : 0919 034 789

Trả lời Nguyen Tuong Vi Huỷ phản hồi