Hành động tàn nhẫn…

Hồi nãy có đọc bài viết “Thót tim xem người đi bộ “đè đầu” ô tô ở cầu lắp ghép” trên VNExpress. Đọc xong bức xúc viết comments nhưng lại bị yêu cầu nhập đủ thông tin. Nhập đã đời bấm nút gửi thì nó chả báo gì hết, nội dung comment mất sạch. Bực quá nên “về nhà” viết cho bỏ tức 🙂
Quả thực, đọc bài báo đó không khỏi cảm thấy xấu hổ về việc tham gia giao thông vô trách nhiệm của một bộ phận dân chúng. Có một comments đã nhận xét rằng : ý thức tham gia giao thông của người dân VN là kém nhất thế giới ! Dù chưa kiểm chứng có phải là “chót bảng” hay không nhưng nếu có đứng thứ 2 từ dưới đếm lên thì cũng chẳng đẹp mặt tí nào. Những người góp mặt trong các bức hình bên dưới đây tôi cho là họ đang thực hiện một hành động tàn nhẫn, cũng không hiếu sao tôi lại gọi như vậy.
Lắm lúc đi ngoài đường, thấy một cô gái ăn mặc sành điệu, được chở trên chiếc xe đắt tiền nhưng lại thản nhiên quăng ly nước xuống lề đường. Rồi cha mẹ chở con cái nhưng lại để chúng vô tư quăng những hộp sữa vừa mới uống xong xuống đường mà không hề có một hành động nhắc nhở chúng. Tôi chạy phía sau mà cảm thấy thất vọng vô cùng.
Trên đoạn đường Lê Lợi có khúc quẹo trái qua đường Pasteur, tôi “cầm đầu” nhóm quẹo trái và kiên nhẫn đứng đợi tín hiệu đèn xanh. Thấy tôi dừng, nhiều người cũng dừng theo nhưng chỉ được vài giây là từng đoàn xe kế bên tăng tốc băng qua đường khi chưa có tín hiệu, phần đường đối diện đang là đèn xanh và có rất nhiều xe đang chạy. Vậy mà họ nỡ lòng nào cắt ngang “dòng chảy giao thông” đó để quẹo sang Pasteur, bất chấp tín hiệu đèn. Tôi nhận thấy rõ hậu quả của việc làm này là giao thông bị ngưng trệ rõ rệt.
Điểm thường thấy là chúng ta hay tham gia giao thông theo…bầy đàn. Chỉ cần một người bất chấp tín hiệu mà tăng tốc chạy thì tự nhiên sẽ có nhiều người…làm theo. Không hiểu nổi ?! Đợt đó, khi tôi có tín hiệu quẹo trái để rẽ sang Pasteur thì xung quang tôi chẳng còn ai nữa. Người ta chỉ dừng xe “chung vui” với tôi có vài giây rồi tăng tốc chạy theo chiếc xe đầu tiên rời khỏi “bầy đàn”, bất chấp việc chiếc xe đó đang vi phạm giao thông và gây ùn tắc. Đó là chưa nói đến việc băng qua đường như vậy rất nguy hiểm.

Phải công nhận là ý thức tham gia giao thông của chúng ta quá kém. Nam thanh, nữ tú, già trẻ lớn bé gì cũng vậy, bạn có thể thấy hình ảnh do các phóng viên chụp được bên dưới.
Có thể họ chưa biết luật, chưa biết nghĩ, chưa biết đúng sai, chưa lường hết được hậu quả do hành động này mang lại nhưng tôi tin là 99% trong số họ biết xem…ti-vi.
Thay vì phát sóng những bộ phim nhảm nhí, quảng cáo lừa đảo về các phòng khám Đông Y thì tại sao lại không dành chừng 1 phút để phát sóng những hình ảnh này trên tivi hằng ngày ? Tôi không tin là nó không có hiệu quả. Nếu thấy hình ảnh của mình xuất hiện trên Tivi thì tôi tin họ chỉ muốn kiếm chỗ nào đó để chui xuống mà thôi, sẽ không có chuyện vỗ ngực phán rằng “Ê, hôm qua tao được lên Tivi đó, tụi bây có xem không ?”. Bất kỳ ai nhìn thấy những hình ảnh này trên Tivi sẽ phải nghĩ lại mỗi khi tham gia giao thông, chắc chắn là vậy. Nó hiệu quả gấp trăm ngàn lần so với việc điều động CSGT đi “gom hàng”.
Biện pháp này thì ngay đến trẻ em cũng hiểu ra vấn đề chứ đừng nói gì người lớn. Khi vi phạm, họ chỉ biết mỗi bản thân mình nhưng khi nhìn vào những tấm hình chụp này, người vi phạm sẽ thấy rõ hành động của họ “tàn nhẫn” tới mức nào.
Bộ giao thông vận tải cứ loay hoay với mấy giải pháp tào lao, có thể gọi là ngăn cản sự phát triển của xã hội thay vì tìm cách xử lý để hạ tầng tương xứng với sự phát triển. Với giải pháp thu phí, tôi không phản đối. Bộ GTVT muốn thu bao nhiêu thì thu, tôi sẵn sàng đóng nhưng tôi muốn biết giải pháp cho tương lai là gì ? Bộ muốn thu phí để bảo trì đường bộ -> tức là lấy tiền đi sửa đường -> có nghĩa là chục năm sau vẫn chỉ có nhiều đó con đường gồng gánh khối lượng phương tiện gia tăng hằng ngày ?
Đó là chưa nói đến việc Bộ chỉ biết đưa ra các giải pháp cho dân (dù giải pháp nào cũng tào lao) mà không hề có các giải pháp nào cho chính bản thân Bộ GTVT. Tình trạng tham nhũng đầy rẫy ra đó. Bất kỳ một con đường nào, dù là đường cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hay cấp quốc gia đi chăng nữa thì chắc chắn sẽ bị hư sau vài tháng sử dụng. Sau đó lại lấy tiền ngân sách đi tu sửa đường, tạo công ăn việc làm cho bọn tham nhũng, rút ruột công trình.
Cơ chế quản lý tiền vốn, quản lý trách nhiệm của đơn vị thi công, giám sát dường như có vấn đề. Tôi không hề thấy cha nào phải ra hầu tòa hoặc phải bán nhà để lấy tiền sửa đường cả. Chính vì vậy mà đường làm xong cứ hư liên tục do sự thiếu trách nhiệm của các cá nhân và tập thể. Quá nản !
Bản thân bộ GTVT phải có một cuộc cách mạng, một đợt “lọc máu” và tái tổ chức lại, liên kết trách nhiệm pháp luật cho các đơn vị thi công. Giám sát thi công phải “bóc lịch” mấy tháng, phải bồi thường thế nào, nhà thầu phải chịu trách nhiệm ra sao. Mọi thứ phải rõ ràng. Đi kèm đó là việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân thông qua các giải pháp khả thi. Chứ không thể nâng cao ý thức tham gia giao thông bằng cách thu phí tè le hoặc “đẻ” ra nhiều kế sách tào lao như thế này được, hoàn toàn không đúng với bản chất của vấn đề.
Đúng ra ngày mai tôi về Vũng Tàu bằng chiếc xe tay ga của cô hàng xóm nhưng cô ấy nói rằng : “Đường về Vũng Tàu ghê lắm, em sợ…hư xe quá à”. Cũng đúng, đường gì mà ổ gà tè le hết trơn. Có vẻ như con đường đó sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho công nhân sửa đường dài dài rồi.
 

Chỉ cần hai thiếu nữ xúng xính băng ngang cũng đủ làm đường lên cầu tắc lại. Mặc dù chiếc cầu vượt bộ hành chỉ cách đó vài bước chân, nhưng hai thiếu nữ này vẫn không thèm sử dụng.
Dường như bị màu đỏ kích thích, 3 người đàn ông khác cũng lao theo vết xe vi phạm của chị.
Ngay sau khi cầu vượt Thái Hà – Láng Hạ được khánh thành, người phụ nữ này đã đi ngược đường để lên cầu. Hành động của chị ta đã được ống kính của rất nhiều phóng viên và người đi đường ghi lại. Những bức ảnh về hành vi này sau đó đã được đăng tải trên các mạng xã hội và dấy lên một làn sóng chỉ trích của cộng đồng mạng.
Hai thanh niên hồn nhiên băng ngang đường. Khi đi đến nửa làn đường bên dưới, người áo đen đã kéo bạn lại cho rằng nên leo cầu vượt. Tuy nhiên người áo xanh đã không đồng ý và cố tình tiến lên.
Sau thanh niên, đến lượt các cháu thiếu niên nhi đồng cũng vô tư đi  ngược đường, “đè” đầu ô tô.
Mặc dù đã có biển cấm, nhưng người đàn ông này vẫn vòng lại bất chấp dòng phương tiện tốc độ cao đang lao xuống.
Đi ngược đường, ngược dòng phương tiện đang xuống dốc, không đội mũ bảo hiểm, ba thanh niên hồn nhiên tham gia giao thông.
Ba “nữ tú” cũng không kém phần ngông nghênh  so với nam nhi khi kiên quyết vi phạm luật giao thông.
Một em nhỏ tung tăng vượt qua đầu những chiếc xe máy đang lao ầm ầm.

Một thiếu nữ trên chiếc xe tay ga màu đỏ sành điệu vi phạm luật giao thông.

Một trường hợp khác sẵn sàng lao vào khe hở giữa một ô tô và một xe máy đi ngược chiều để lên cầu.
11 Comments
  1. Đã có cờ nhíp, xem cái này vui hơn
    http://www.youtube.com/watch?v=l9yEAHrVsBA&feature

  2. Không biết đến lúc nào Việt Nam mình mới khá lên được đây. Ý thức kém đã ăn sâu vào trong máu rồi!!

  3. haizz! ý thức người dân còn quá kém! rồi đèn đỏ! thì cũng nên tắt máy xe nữa!

  4. AHX bớt giận nha. E vừa gửi Mail cho [email protected] rồi.Đây là nội dung Mail:http://www.vietnamnet.vn/vn/doi-song/70088/thot-tim-xem-nguoi-di-bo–de-dau–o-to-o-cau-lap-ghep.html
    ý thức tham gia giao thông của chúng ta quá kém. Tại sao lại không dành chừng 1 phút để phát sóng những hình ảnh này trên tivi??? Mục đích phát sóng chắc Ban biên tập VTV cũng biết hơn ai hết.
    ko bt la “cấp trên” có phê duyệt ý kiến của e ko nữa.:D

  5. Thích nhất câu:”Bộ giao thông vận tải cứ loay hoay với mấy giải pháp tào lao…” =))
    Đúng là tào lao thật! Các bộ lúc nào cũng kêu gọi người dân góp ý để cải tổ, cải cách…nhưng chẳng thấy có giải pháp nào hiệu quả rõ rệt cả

  6. người dân khi thấy cái gì thiệt hại về mình là bắt đầu tìm đến nào là bộ giao thông không có khả năng giải quyết,…. vân vân. Muôn ngàn lý do, nhưng mà họ chưa bao giờ tự ý thức là chính họ mới là người tham gia giao thông, và là phần ảnh hưởng lớn nhất đến giao thông. Cái tối thiểu là văn hóa khi tham gia giao thông thì không có. Thử hỏi bao giờ mới hết tắc đường :))

  7. Anh hàng xóm và các bạn thân mến! – Đừng chỉ mỗi phàn nàn người dân không có ý thức. Nói ra thì hơi “phạm thượng”, nhưng đúng là “nhà dột từ nóc”. Mấy ông lãnh đạo nhà mình từ nhỏ tới lớn năng lực thì kém chỉ bo bo giữ ghế chứ có làm căng bao giờ đâu mà đòi phạt nặng. Ngay từ khâu dạy luật giao thông và cấp bằng lái xe đã đầy tiêu cực rồi thì nghiêm khắc với ai đây? Vì vậy muốn chống “dột” phải sửa từ “nóc”. Ông nào không đủ năng lực, không đủ độ “dũng cảm” —-> miễn nhiệm hoặc nói theo nghĩa đen : đuổi cổ.
    P/S: ghét mấy cái trò comments trên mấy tờ báo đó, toàn bị kiểm duyệt —-> dân chủ ở đâu?

    • Dân chủ ở chỗ : bạn có quyền comment, họ có quyền kiểm duyệt. Cả hai đều có quyền bình đẳng như nhau 🙂
      Theo ý kiến của bạn thì cũng không khả thi. Bộ máy hành chính quá rườm rà nên việc “đuổi cổ” một ai đó là chuyện không đơn giản : phải làm văn bản, chờ ông này xem xét, ông kia duyệt, rồi kéo nhau đi họp lần 1, họp lần 2…Giống như vụ của bà Yến gì đó đó.

  8. À chuyện anh kể là anh rẻ trái khi có đèn đỏ chứ không phải đèn xanh à. Sao hồi trước em có qua ngã ba, em hay rẻ trái khi có đèn đỏ, rẻ trái đèn đỏ thế là bị tóm, thế rồi từ đó cứ nghĩ phải chờ đèn xanh mới rẻ trái chứ.

    • Đèn xanh rẽ trái sẽ gây tắt đường cho hướng ngược lại nên tại các giao lộ lớn thường sẽ có thêm 1 đèn rẽ trái. Đèn rẽ trái này sẽ sáng ngược với đèn đi thẳng. Tức là khi chúng ta dừng đèn đỏ thì đèn rẽ trái sẽ có màu xanh để rẽ vì lúc đó hướng ngược lại cũng đang là đèn đỏ nên sẽ an toàn hơn.

Trả lời anhhangxom Huỷ phản hồi