Ngày đầu tiên Amazon giới thiệu dịch vụ lưu trữ dữ liệu Amazon Glacier cách đây vài tháng, tôi đã đăng ký sử dụng. Nhưng rồi nhận ra một điều : Amazon không cung cấp một ứng dụng client để người dùng upload và quản lý dữ liệu, các dịch vụ của Amazon chủ yếu dành cho đối tượng là các nhà phát triển ứng dụng. Như vậy, tôi không thể viết bài giới thiệu đại trà được mặc dù Amazon Glacier quả thực rất hấp dẫn.
Gần đây tôi sực nhớ ra và quyết định tìm xem có ứng dụng nào hỗ trợ upload dữ liệu lên Amazon Glacier hay không, và tôi tìm được vài phần mềm. Bài viết này, tôi sẽ giới thiệu sơ lược về Amazon Glacier. Bài viết sau, tôi sẽ giới thiệu phần mềm dùng để upload và download dữ liệu được lưu trên Glacier.
Để đăng ký sử dụng Amazon Glacier, bạn cần phải có thẻ tín dụng. Mặc dù trước khi đăng ký, tôi đã tìm hiểu khá kỹ thông tin về Glacier và biết rằng nó không tốn phí đăng ký và bạn chỉ bị tính tiền khi phát sinh dữ liệu lưu trữ nhưng sao vẫn thấy lo lo :). Hôm nay, sau khoảng 2 tháng đăng ký và bỏ đó, tôi kiểm tra và thấy amazon chả lấy của tôi xu nào cả 🙂
Amazon Glacier là giải pháp cho việc backup dữ liệu với “chất lượng Amazon” nhưng giá cả rất bình dân, phù hợp cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp. Dữ liệu lưu trữ trên Amazon Glacier đều được mã hóa bằng thuật toán AES 256-bit và bạn có thể nắm giữ key giải mã (mật khẩu dùng để mã hóa file) nếu muốn. Amazon Glacier gây sốc với mức phí chi trả hàng tháng cho mỗi Gigabyte dữ liệu lưu trữ là $0.01, tức là 205 đồng/GB/tháng tính theo tiền Việt Nam ! :wow:
Tôi không tin vào mắt mình khi đọc những dòng giới thiệu này bởi vì dịch vụ của Amazon xưa nay không hề rẻ và họ thường tính tiền dựa trên băng thông. Amazon Glacier cũng không ngoại lệ nhưng nó có cách tính bình dân hơn các dịch vụ khác của Amazon. Cụ thể như sau :
– Bạn sẽ phải trả thêm $0.050 (1.000VNĐ) cho mỗi 1000 yêu cầu upload/download dữ liệu. Có nghĩa là nếu bạn upload 1000 tập tin (tương đương 1000 yêu cầu upload) thì bạn sẽ tốn 1000VNĐ. Nhưng nếu bạn nén 1000 tập tin đó lại thành file Zip và up lên Glacier thì bạn chỉ được tính là 1 yêu cầu upload và số tiền phải trả là rất rất nhỏ (1VNĐ).
– Bạn sẽ phải trả thêm phí dựa trên dung lượng upload/download. Cụ thể, bạn được miễn phí upload dữ liệu. Nhưng phải trả tiền nếu muốn download. Trong mỗi tháng, bạn được download 1GB dữ liệu miễn phí. Nếu vượt quá 1GB và dưới 10TB(10.000GB), bạn phải trả $0.12/GB, tương đương 2500VNĐ/GB.
Tóm lại, nếu mỗi ngày tôi backup dữ liệu lên amazon 1 lần (1 file nén) thì mỗi tháng, tổng số tiền tôi phải trả cho Amazon chỉ là 1000VNĐ bởi vì amazon miễn phí dữ liệu upload và mỗi tháng tôi chỉ gửi có 30 yêu cầu upload. Nếu cuối tháng tôi tải về 1GB dữ liệu thì vẫn được miễn phí. Nhưng nếu tôi tải về 1.1GB thì sẽ phải trả thêm 2500VNĐ/1GB + 2.5VNĐ/0.1GB = 2.502,2VNĐ
Ngoài những gì chính yếu nêu bên trên thì Amazon Glacier còn có thêm các điều kiện phụ. Bên dưới đây là những gì tôi tìm được :
– Không giới hạn dung lượng lưu trữ.
– Dung lượng tối đa của một tập tin up lên là 4GB.
– Không thể chỉnh sửa hoặc ghi đè dữ liệu đã được up lên Glacier.
– Nếu bạn xóa dữ liệu trước 3 tháng kể từ ngày nó được upload, bạn sẽ bị tính phí xóa trên mỗi Gigabyte dữ liệu. Cụ thể : nếu bạn xóa dữ liệu khi mới upload chưa được 1 tháng, bạn sẽ bị tính $0.03/GB. Nếu xóa khi đã upload được 2 tháng, bạn sẽ bị tính $0.02/GB. Và nếu xóa trong tháng thứ 3, bạn sẽ bị tính $0.01/GB. Tóm lại càng xóa mau bạn sẽ càng tốn tiền, hãy cứ để yên như vậy và nếu muốn xóa thì hãy đợi nó được ít nhất 3 tháng rồi hãy xóa.
– Dữ liệu sau khi upload sẽ sẵn sàng được tải về trong vòng 24 giờ. Tức là sau khi upload thành công, bạn sẽ không thấy nó xuất hiện trên giao diện web. Tối hôm qua, tôi upload một tập tin và đến tối hôm nay nó mới xuất hiện trên Glacier.
– Bạn được tặng 5% dung lượng mỗi tháng, tính trên tổng dung lượng bạn đang có trên Glacier.
Có hai định nghĩa trong Amazon Glacier là “Vaults” và “Archives”. “Vaults” giống như là một chủ đề và nó chứa các “Archives” bên trong. Ví dụ như tôi tạo một “vaults” tên là “Hình tết”, sau đó tôi sẽ upload các tấm hình chụp hồi tết vào trong “vaults” này, mỗi tấm hình sẽ là một “archive”.
Amazon Glacier cho phép tạo ra tối đa 1000 “vaults” trên một “region” và không giới hạn số lượng “archive”. Nhưng thường thì sẽ bị giới hạn ở mức 40TB, do nó quá lớn nên coi như là không giới hạn :). Với khách hàng doanh nghiệp thì có thể bàn bạc với amazon để tăng mức giới hạn này lên, nếu cần thiết.
Khi bạn tạo mới một “vaults”, Amazon cho phép bạn chọn “region”. Và cách tính giá sẽ khác nhau trên từng “region”, nhưng không nhiều. Ví dụ nếu bạn chọn “region” là “Asia Pacific (Tokyo)” thì phí phải trả cho 1000 yêu cầu sẽ là $0.006, thay vì $0.005 như vùng mặc định (US East (N. Virginia)). Bạn chỉ có thể xóa một “vault” nếu như toàn bộ “archives” trong đó đều đã được xóa hết.
Bạn có thể đăng ký một tài khoản (phải có thẻ tín dụng) tại : http://aws.amazon.com/glacier/
Sau khi có tài khoản, bạn truy cập vào giao diện quản lý của glacier tại địa chỉ : https://console.aws.amazon.com/glacier/
Bấm nút “Create Vault” để tạo mới một “vault”. Và bài viết này xin dừng lại tại đây. Bài tiếp theo tôi sẽ giới thiệu phần mềm quản lý cho Amazon Glacier.
Các tài liệu liên quan của Amazon :
– Giới thiệu Amazon Glacier
– Câu hỏi thường gặp
Tôi cũng chỉ mới sử dụng Glacier nên nếu có chỗ nào viết sai hoặc hiểu sai tài liệu của Amazon Glacier thì mong các bạn góp ý để bài viết này được hoàn thiện.
:cungly:
Phức tạp nhỉ. Tuy không giới hạn dung lượng lưu trữ nhưng lại tính phí (Dù nhỏ).
Tôi dùng Dropbox với 25.8GB là thoải mái rồi ( Còn vài tài khoản 25GB để dự phòng ^_^)
Dùng dropbox có phải đỡ tốn tiền hơn không?