Libox – Giải pháp chia sẻ dữ liệu tốc độ cao

Vừa mới đi ăn ốc xong, 3 người uống 2 chai bia và vài món ốc nhưng cũng thấm mệt. Người ta đi ăn toàn chuyện vui, mình mỗi khi đi ăn là lại chia tay với ai đó, haiizz. Ngày mai thê thảm rồi đây, hết người chọc ghẹo -> hết vui vẻ -> hết cười -> chán ! Chọc người mới không khéo ăn chửi như chơi, haha.

Đôi khi nghĩ lại thấy : Sao người ta đi chơi ăn uống nhiều thế nhỉ ? Mình có khi cả năm chả có lần nào ! -> Quyết tâm ăn chơi thôi, cuối tuần này rủ Ả Đào, Robinhood, Nhã tỷ tỷ, Cường…VNĐ đi uống cafe giải sầu. Thử cảm giác “rủ đi uống cafe” trên Tp xem nó thế nào, chuyện này chưa từng xảy ra trong 4 năm sống ở Tp.

Quăng “cục chán” vậy đủ rồi, vào đề thôi. Gần đây, tôi đã giới thiệu đến các hàng xóm 2 dịch vụ liên quan đến chia sẻ dữ liệu là : DropboxHomePipe. Bạn có thể bấm vào đường link để xem chi tiết bài viết nhưng tóm lại là thế này :

Dropbox : giúp bạn đồng bộ dữ liệu giữa các máy tính thông qua Internet, có thể chia sẻ đường link cho người khác truy cập vào. Đồng thời một bản copy dữ liệu cũng được lưu trên web để bạn có thể truy cập bất cứ đâu.

HomePipe : giúp bạn truy cập vào ổ đĩa một máy tính nào đó (đã cài sẵn HomePipe) thông qua Internet và thực hiện các hành động copy/tạo mới/xoá tập tin. Đồng thời bạn cũng có thể gửi đường link để người khác truy cập vào một thư mục nào đó trên máy.

LiboxHôm nay tôi giới thiệu thêm một phần mềm nữa, nó giúp bạn chia sẻ hình ảnh, âm nhạc và tài liệu cực nhanh thông qua mạng Internet. Tôi phải dùng từ “cực nhanh” bởi vì thấy tốc độ và cách xử lý của nó đúng là ấn tượng và thông minh : tôi gửi 7 tấm hình với tổng dung lượng gần 100Mb, sau khi bấm nút bên máy này, tôi chuyển sang máy kế bên thì thấy toàn bộ hình đã nằm bên đó rồi nhưng chỉ ở dạng thumbnail (thu nhỏ). Khi bấm vào hình thu nhỏ thì nó mới load hình về, tốc độ làm việc rất nhanh và trong khi bạn xem tấm thứ nhất, những tấm còn lại tự động được tải về máy. Tương tự như Dropbox, dữ liệu của bạn sẽ được lưu trữ trên Server của Libox và dung lượng lưu trữ là bao nhiêu ? – Không giới hạn và bạn có thể truy cập thông qua giao diện web ở bất cứ đâu có internet !

Có gì hót ?

Lần đầu tiên tôi sử dụng phần mềm này là khoảng cuối năm ngoái, hình như lúc đó Libox mới ra và đang ở giai đoạn beta. Hôm qua dùng thử nó thì thấy nó không có thay đổi gì nhiều và quan trọng là đến bây giờ mới biết cách dùng nó. Bạn sẽ không quen nếu dùng lần đầu tiên. Trước hết, bạn cần phải tạo một tài khoản bằng cách truy cập vào địa chỉ : http://www.libox.com , nhập vào địa chỉ email của bạn và bấm nút “Get Libox Now”.

Bạn sẽ nhận được một email chứa đường link kích hoạt tài khoản, khi bấm vào đó trang đăng ký sẽ hiện ra như hình sau :

Libox

Bạn nhập vào các thông tin đăng ký và bấm nút Accept and Download -> nó sẽ tự động tải về file cài đặt online, dung lượng chỉ vài chục kb. File cài đặt gốc của nó có dung lượng khoảng 10Mb. Lưu ý phần email sẽ lấy họ tên của bạn, bạn có thể sửa lại và nếu thông báo là “ok” thì bạn có thể sử dụng username đó để đăng nhập sau này.

Sau khi tải về bạn cài đặt và màn hình đầu tiên sẽ yêu cầu bạn đăng nhập. Bạn có thể đăng nhập bằng 2 dạng là địa chỉ email và username.

Libox

Sau khi đăng nhập thành công, màn hình chính sẽ xuất hiện như sau :

Libox

Thực sự thì bây giờ tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu nữa, thôi thì giới thiệu thông qua các hành động :

Thêm tài liệu vào Libox : Sau khi cài đặt xong Libox bạn rê chuột vào cái thanh ngang ở trên cùng màn hình sẽ thấy nó hiện ra dòng chữ “drop files here”. Vậy là bạn chỉ cần kéo mọi thứ muốn upload lên Libox và thả vào đây, giao diện của Libox sẽ hiện ra như sau :

Libox

Bạn gõ tên cho nhóm dữ liệu cần upload vào ô Title. Ví dụ trên, tôi upload nguyên một album nhạc và tiêu đề tôi đặt là “anhhangxom’sMusic”. Như vậy sau này tôi sẽ có một playlist có tên là “anhhangxom’sMusic” và tôi có thể nghe toàn bộ nhạc trong danh sách này hoặc chia sẻ nguyên cái list này cho ai đó.

Nếu muốn loại bỏ một file nào đó thì bấm dấu X để bỏ nó, sau khi xong bấm nút Create. Nó sẽ quay lại trang Home.

Xem hình ảnh đã thêm vào Libox : Libox sẽ tự động phân loại tài liệu thành các dạng Photo, Music và Video. Bấm vào các thẻ này, bạn sẽ xem được toàn bộ những gì bạn đã upload. Nếu bạn bấm vào các thẻ này mà không thấy gì hiện ra thì hãy chọn lại bộ lọc. Ví dụ nếu bạn bấm vào Photo nhưng chả thấy mấy tấm hình mình vừa up lên hồi nãy thì hãy bấm vào nút All (hiển thị hết), nút Date (hiển thị theo ngày chụp của hình), nút Album (hiển thị theo tên album do bạn đặt lúc thêm vào Libox).

Libox

Bạn bấm vào Album hoặc tấm hình cần xem để xem trực tiếp từ Libox như hình sau :

Libox

Bạn có thể sử dụng thanh cuộn chuột để phóng to, thu nhỏ hình ảnh. Bấm vào biểu tượng chữ “i” để xem thông tin về bức ảnh. Bấm vào biểu tượng cái thùng rác để xoá tấm hình đó, cái thùng rác sẽ chuyển sang màu đỏ và khi bạn quay trở lại màn hình chính sẽ không thấy tấm hình đó nữa. Bạn vẫn có thể phục hồi lại, xem phần sau.

Trên thanh công cụ sẽ có dàn nút sau :
– Back : trở lại giao diện chính
– Share : chia sẻ với các user Libox khác (xem phần sau)
– Add to collection : thêm tấm hình đang xem vào một nhóm nào đó
– Open : mở tấm hình đang xem bằng phần mềm xem ảnh mặc định trên máy.
– Export : tải hình về máy -> kiếm cả buổi trời mới biết cách tải hình về máy, pótay.

Xem nhạc đã thêm vào Libox : cách xem thì cũng tương tự như hình mà thôi nhưng có điều khi bạn bấm vào thẻ Music và lọc theo Playlist, bạn có thể nghe toàn bộ nhạc trong playlist đó bằng cách rê chuột vào playlist và bấm vào chữ Play, một trình nghe nhạc mini sẽ xuất hiện ở góc trái màn hình.

Libox

Chọn một nhóm file để xoá hoặc di chuyển sang chủ đề khác hoặc đưa vào một chủ đề mới : Mất cả buổi trời mới tìm được cách này. Từ thẻ Home bạn sẽ thấy có một nút Select > bấm vào đó bạn sẽ thấy xuất hiện một cái khung > Giờ bạn hãy di chuyển qua các thẻ Photo hoặc Music hoặc Video, bấm vào bất kỳ file nào, file đó sẽ hiển thị trên cái khung mới xuất hiện. Để làm gì ? Sau khi bạn chọn xong bạn có thể thực hiện các hành động :

Libox

– Share : chia sẻ những file này cho ai đó.
– Add to Collection : thêm những file vừa chọn vào một nhóm khác.
– New : tạo một nhóm mới cho những file vừa chọn
– Trash : xoá những file vừa chọn vào “thùng rác”.
[Cập nhật] ở góc phải của mỗi file hoặc nhóm file có một cái ô màu trắng, bạn bấm vào đó là nó tự động được chọn và đưa lên vùng Select.

chia sẻ cho người dùng Libox khác : nãy giờ bạn thấy có các nút Share, khi bấm vào đó bạn sẽ thấy hình sau :

Libox

Bạn gõ tên của người dùng Libox hoặc địa chỉ email của người đó vào ô To, Gõ tiêu đề thông điệp và nội dung vào ô Message. Nếu người đó chưa có tài khoản tại Libox, họ sẽ phải tạo một tài khoản, ngược lại thì người dùng Libox sẽ nhận được thông điệp chia sẻ của bạn thông qua thẻ Message. Nếu user Libox chưa có trong danh sách contact, bạn sẽ thấy hộp thoại sau xuất hiện :

Libox

Bạn chọn nhóm cho loại contact là Business (công việc), family (gia đình) và friends (bạn bè). Xong bấm nút Adds contact and send . Bạn có thể add nick Libox “anhhangxomonline” và danh sách bạn bè, khi đó bạn sẽ thấy tôi share một list nhạc dung lượng khoảng 300Mb để bạn thử cảm nhận tính năng chia sẻ này của Libox. Ngoài ra, những người nhận được sự chia sẻ cũng có thể để lại comment.

Upload và chia sẻ dữ liệu từ máy tính : tương tự như cách kéo thả đầu tiên nhưng tính năng này cho phép bạn chia sẻ và upload lên Libox (thay vì chỉ upload như cách kéo thả). Từ thẻ Home, bạn bấm nút Compose, trang hiện ra bạn có các tính năng sau :

Libox

– Files : bấm vào đây và chọn những tập tin cần chia sẻ
– Media in folder : chọn thư mục và Libox sẽ tự động nhận dạng các tập tin phim, nhạc, ảnh.
– Record video : Libox có khả năng ghi hình video. Có thể nó sẽ quay phim từ webcam. Tôi chưa thử trên laptop nên không biết có được không.
– Link : cho phép bạn upload thông qua một đường link. Nếu là đường link trang web thì nó sẽ tự động chụp ảnh trang web đó.

Khi soạn xong bấm nút Send. Nếu bạn muốn thêm vào những thứ đang có sẵn trong Libox thì bấm nút Add more items để trở về trang chủ và chọn thứ mình thích, xong bấm nút Add to Message để trở lại trang chia sẻ ban đầu.

Chat với các tài khoản Libox khác : giống như Facebook, Libox cũng tích hợp sẵn tính năng chat, cho phép bạn chat với các tài khoản Libox khác cũng như xem tài khoản nào đang online. Bấm vào thẻ chat hoặc bấm thẳng vào tên contact để bắt đầu chat.

Phục hồi các tập tin đã xoá : mọi thứ bạn xoá từ Libox sẽ tự động được đưa vào thùng rác, bấm thẻ Trash để xem. Nếu muốn “đổ rác” thì bấm nút Empty trash để xoá hết. Còn nếu bạn muốn phục hồi thì hãy bấm nút Select > bấm vào các file muốn phục hồi > bấm nút Restore để phục hồi hoặc nút Delete để xoá hẳn.

Libox

Sử dụng giao diện web : Bạn có thể sử dụng Libox thông qua giao diện web, y chang so với ứng dụng chạy trên win. Bạn truy cập vào trang chủ libox.com và đăng nhập vào tài khoản.

Libox

Giờ đã gần 1 giờ sáng rồi và cũng nên kết thúc tại đây, hic, hi vọng đã giới thiệu hết tính năng và cách dùng phần mềm này. Năm ngoái tôi đã đoán được chuyện này nên mới “lèn èn” chưa giới thiệu vì phải dùng thử thành thạo mới biết đường viết và tôi biết là vẫn còn thiếu. Haha, hình như buồn càng nhiều thì viết càng nhiều thì phải, viết từ ngày 30 mà khi đăng lại là ngày 1 tháng 7.

10 Comments
  1. anh ơi, cái trang này ít ai bik lắm. muốn chia sẽ thì hơi bất tiện đúng ko anh?

    • @PL : Đúng vậy, đa số người ta sử dụng các dịch vụ lưu trữ hình ảnh trực tuyến. Libox có thể hữu dụng cho một nhóm người thường xuyên trao đổi hình ảnh hoặc âm nhạc với nhau. Thay vì tốn thời gian upload hàng đống hình ảnh lên web để gửi cho ai đó, bạn có thể yêu cầu họ cài Libox, sẽ thú vị và nhanh hơn.

  2. Anh hàng xóm ơi giúp với !
    Tôi đang dùng laptop Compaq Presario CQ40-314TU cài win 7 32 bit, nhưng từ khi cài lại win toutpab không cuộn lên, xuống (scroll) được, rất mong nhận được sự trợ giúp của các hàng xóm, thanks

  3. Cảm ơn anhhangxom tôi sẽ cài thử.

  4. Bài viết chi tiết hay và chi tiết quá.Cám ơn AHX

  5. Blog của bạn rất hữu ích. Bạn không chỉ ứng dụng cho bản thân mà còn giới thiệu với mọi người biết tính năng của các dứng dụng. Đây là việc làm tốt. Hy vọng có nhiều bài giới thiệu về các ứng dụng khác nữa. Thanks.

  6. […] cái đống hình đó ? Lúc đó, giải pháp mà tôi nghĩ đến là sử dụng Libox (xem tại đây). Sử dụng Libox, cái bất tiện là với người mới thì cần phải biết cách sử […]

Ý kiến phản hồi