Ngành Y tế : Ăn lương mà không thấy nghẹn ?
Bài viết không có ý “vơ đũa cả nắm” cũng như cụm từ “Ngành Y tế” cũng chưa thực sự chính xác cho lắm. Bài viết không qui trách nhiệm cho bất kỳ ai cũng như không bàn tới nguyên nhân của sự cố là gì, ai đúng, ai sai. Tất cả những gì tôi muốn nói là cái cách mà ngành Y tế xử lý sự cố là không thỏa đáng và cần phải thay đổi để lập lại kỷ cương.
Hôm nay lên facebook tôi mới phát hiện một chuyện đau lòng từ một khách hàng của Tùm-lum-shop dưới Cà Mau. Hồi cuối tháng 12, tôi nhận được đơn hàng từ anh ấy là 2 bình sữa Medela cho trẻ sơ sinh. Đợi mãi không thấy thanh toán hay phản hồi gì nên tôi đã hủy đơn hàng trên hệ thống. Rồi đột nhiên anh ấy chuyển tiền và tôi cũng vừa mới chuyển hàng cách đây 2 ngày.
Bởi vì đây không phải là lần đầu tiên anh ấy mua hàng trên tùm-lum-shop nên tôi có ấn tượng với cái tên và địa chỉ gửi hàng là một trường THPT dưới Cà Mau. Thế rồi tôi thấy một người post tin trên facebook với cái tên…y chang cái tên mà tôi vừa mới gửi hàng hôm kia. Hóa ra đúng là anh ấy, một thầy giáo và là một friend trên facebook của tôi. Điều đáng nói chính là cái tin mà anh ấy post chính là cái trường hợp sản phụ tử vong khi sinh ở dưới Cà Mau mà tôi có dịp đọc trên mạng hồi đầu tháng. Đáng buồn hơn, sản phụ đó chính là vợ của anh ấy và mấy cái bình sữa mà tôi mới gửi chính là để cho đứa bé vừa mới mất mẹ 🙁
Được biết, anh ấy đã gửi đơn khiếu nại lên Sở Y tế Cà Mau đề nghị làm rõ trách nhiệm và nguyên nhân dẫn tới cái chết của vợ mình là sản phụ Huỳnh Hồng Thu, nhập viện ngày 23/12/2014 tại Bệnh viện đa khoa khu vực Trần Văn Thời – Cà Mau. Và đây là văn bản trả lời của Sở Y tế Cà Mau :
Mặc dù chưa rõ nội tình nhưng khi đọc tới đoạn “Sau khi xem xét, Sở Y tế Cà Mau nhận thấy nội dung đơn của Ông thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Trần Văn Thời nên đã chuyển đơn đến Bệnh viện đa khoa khu vực Trần Văn Thời để giải quyết theo qui định” tôi thấy rất nực cười :
– Một là : Nếu bệnh viện giải quyết thỏa đáng thì cần quái gì phải gửi đơn khiếu nại lên tuyến trên ?
– Hai là : Liệu có công bằng khi để bên gây ra hậu quả trực tiếp “điều tra” nguyên nhân. Khi mà cụm từ “văn hóa từ chức, dám làm dám chịu” chưa được đưa vào Sách giáo khoa ?
Từ chuyện này cho thất một thực tế ở VN là tình trạng “dám làm dám chịu” diễn ra rất phổ biến từ đơn vị nhỏ nhất đến cơ quan to nhất là các bộ nghành. Nghe thì thấy rất chi là quân tử nhưng phải giải thích ở góc độ : lính làm sai thì lính chịu tất cả, cấp trên đách có liên quan gì. Như vậy thì thử hỏi làm sao mà trên bảo dưới lại chịu nghe ? Nói chi xa xôi, cái vụ Vinalines chình ình ra đó : trên chỉ đạo (nếu có) là ko mua hàng cũ, thế mà ông Dũng ổng cũng mua ầm ầm đó thôi. Cuối cùng thì chỉ một mình ổng chịu, chả có ai liên quan cả.
Quay trở lại với vấn đề y tế. Hồi xưa thì Lương y như từ mẫu, còn ngày nay thì Lương y chưa chắc ở Từ Dũ (bệnh viện Từ Dũ – Tp.HCM). Nói đến sanh mổ ở miền Nam này nói chung và Tp.HCM nói riêng thì Từ Dũ xếp hàng số 1. Có dịp đi khám thai ở đó bạn mới thấy phục các bà mẹ ở dưới miền Tây xách bụng bầu bắt xe lên Từ Dũ khám từ 3-4 giờ sáng. Chung qui thì họ cũng lo ngại trường hợp bác sĩ ở tuyến dưới làm ẩu hoặc điều kiện không được tốt, dễ xảy ra các sự cố đáng tiếc như trường hợp của anh Diện bên trên. Vợ của mình cũng vừa mới sanh ở Từ Dũ hồi tháng 9/2014, hôm nay, 2 bé đã được 4 tháng 4 ngày tuổi. Và nếu như hồi đó 2 vợ chồng mình ko quyết định kịp thời thì có lẽ giờ này, mình cũng ở hoàn cảnh như anh Diện, gửi đơn khiếu nại lên Sở Y Tế.
Vợ mình sinh đôi và thực tế là sinh đôi rất nguy hiểm. Hàng loạt nguy cơ có thể xảy ra nên việc đi khám đều đặn và ai khám là cực kỳ quan trọng. Mình giao tính mạng 2 bé cho các bác sĩ ở Từ Dũ, đi khám từ đầu cho tới cuối thai kỳ. Vào cái tuần thứ 3-mươi-mấy, sau khi khám thai thì bác sĩ kết luận là bé thứ 2 đang bị nguy hiểm do ngày càng nhận được ít chất dinh dưỡng (con chị nó hút hết :)). Bác sĩ cho mình 2 tùy chọn :
1. Mổ ngay-và-luôn : sẽ cứu được ít nhất 1 bé nhưng do sinh non nên 2 bé sẽ hơi yếu, đặc biệt là bé thứ 2
2. Tiếp tục cho 2 bé “trọ” thêm 1 tuần nữa : nguy cơ mất cả hai bé rất cao nhưng nếu vượt qua thì 2 bé đủ tuần, sẽ khỏe mạnh hơn.
Bác sĩ hoàn toàn ko đưa ra lời khuyên nên chọn cái nào mà chỉ nói vậy và yêu cầu người nhà chọn. Mình chọn tùy chọn thứ 1 và mình tin rằng 100% cha mẹ sẽ chọn nó. Bé yếu thì có thể nuôi được, huống hồ 2 bé nhà mình lúc đó cũng ko hẳn là sinh non quá. Cân nặng bé 1 lúc đó là 2.8 ký và bé 2 là 2.2 ký. Nên mình nghĩ quyết định vậy là đúng.
Sau khi quyết định, vợ mình vào gặp bác sĩ để nói thì bị…mắng :
“Tại sao ? Wây-sa-ma ? Có biết bắt bé ra lúc này là non quá không ? bla bla bla…”
Lúc ra, vợ mình nói bị bác sĩ “cho một trận” mình ngã người luôn, không tin vào tai. Nhưng sau một hồi phân tích sẽ thấy vì sao bác sĩ lại có hành động như vậy. Tất cả cũng chỉ đề phòng trường hợp xảy ra bất trắc thì có cái để ăn nói với người nhà bệnh nhân và làm báo cáo với cấp trên. Lý lẽ như sau :
1. Bác sĩ đã “làm đúng qui trình” khi đưa ra 2 khả năng liên quan tới cháu bé và đã giải thích cho cha mẹ 2 bé hiểu. Còn việc chọn cái nào là do cha mẹ bé chọn, bác sĩ hoàn toàn ko chọn (và ko đưa ra lời khuyên nên chọn cái nào) nên sẽ ko chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố.
2. Khi cha mẹ bé chọn xong. Tin tôi đi, dù bạn chọn cái nào đi chăng nữa thì chắc chắn sẽ…ăn chửi. Lý do ? Để đề phòng khi xảy ra sự cố, bác sĩ sẽ nói rằng khi cha mẹ bé chọn, bác sĩ đã can ngăn một cách…hợp lý nhưng cha mẹ bé không chịu nghe !
Như vậy, ở những thời khắc quan trọng, bác sĩ hoàn toàn ko có một lời khuyên thích hợp vì sợ sẽ chịu trách nhiệm. Tất cả đều phải tự thân cha mẹ lựa chọn, hên thì hưởng, xui thì tự chịu. Và thú thực, khi vợ chồng mình chọn xong thì cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý hên-xui. Sau đó, bác sĩ khám thai đồng ý và viết giấy nhập viện 2 ngày sau đó. Tới ngày, mình đưa vợ vào nhập viện, các bác sĩ bên khoa sản lại tiếp tục xét nghiệm, siêu âm. Sau 1 ngày nằm viện thì bác sĩ báo rằng : Thôi về đi, ăn uống nghỉ ngơi chờ dấu hiệu sanh rồi lại vào nhé !
Cầm tờ giấy xuất viện mà tay chân rụng rời. Cái quái gì đang xảy ra thế này ? Bác sĩ bên khu khám thai thì nói có nguy cơ cao và yêu cầu nhập viện mổ gấp. Rồi Bác sĩ bên khoa sản thì lại nói mọi thứ bình thường, về nhà chờ đẻ ? Cùng bệnh viện Từ Dũ chứ đâu, sao lại có khác biệt một cách đáng sợ như vậy ?
Sau khi về, 2 vợ chồng quyết định bắt taxi lên phòng khám tư của Bác sĩ trưởng khoa sản bệnh viện Từ Dũ. Sau khi khám và siêu âm xong, bác sĩ hốt hoảng hỏi “Sao lại như vậy ? Tại sao song thai này để tới bây giờ mà lại chưa chịu mổ ?” Rồi bác sĩ viết tờ giấy nhập viện yêu cầu 2 vợ chồng vào bệnh viện Từ Dũ gấp và làm thủ tục mổ ngay trong đêm đó. Chính bác sĩ trưởng khoa làm “chủ xị” cho 2 đứa nhỏ, theo dạng mổ dịch vụ chỉ định.
Nếu hôm đó vợ chồng mình không tới gặp Bác sĩ trưởng khoa mà tiếp tục ở nhà chờ đợi thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Nếu có vấn đề, chắc chắn mình sẽ kiện cái người đã ký tờ giấy xuất viện vào hôm đó vì rõ ràng bác sĩ khám đã chỉ định mổ gấp nhưng bên này lại không chịu mổ mà cho về. Không kiện mới lạ.
Thực tế người nhà bệnh nhân, dù có mất mác đến mức nào đi chăng nữa thì cũng chỉ muốn làm rõ lý do vì sao lại xảy ra sự cố, trách nhiệm thuộc về ai, chứ không phải muốn kiểu giang hồ phim Hồng Kông 1 mạng đổi 1 mạng. Khi đã làm rõ trách nhiệm và nếu bác sĩ có lỗi thành tâm nhận lỗi thì chúng tôi cũng sẵn sàng tha thứ, miễn họ thực sự rút kinh nghiệm chứ ko phải nói cho có lệ. Hơn nữa, chính thái độ của các y bác sĩ trong quá trình làm việc đã gây ra sự bức xúc tột độ cho gia đình bệnh nhân khi sự cố xảy ra. Nếu trong quá trình làm việc, họ quan tâm từng ly từng tí, hướng dẫn tận tình thì khi xảy ra sự cố, người nhà cũng sẽ thông cảm chấp nhận kết quả bởi vì đây là y khoa, không có gì đảm bảo 100% và chúng tôi thừa hiểu điều đó.
Nhưng đáng tiếc, những người làm trong ngành y lại chẳng coi mạng người ra gì, chỉ lo móc nối với nhau để mở phòng mạch, cấp giấy phép, tạo quan hệ để thăng chức lẫn nhau mà thôi. Chưa xét về mặt Y đức, chỉ xét riêng về mặt xã hội và con người thì khi xảy ra sự cố liên quan đến tính mạng như vậy thì cấp quản lý phải lập tức điều tra chứ không phải đợi người nhà gửi đơn kêu cứu mới chịu “liếc mắt trông ngang thấy tờ đơn” như thế này. Còn thực tế thì trầm trọng hơn : ngay cả có đơn kêu cứu rồi mà còn “đá” xuống kêu đám lính điều tra nội bộ cho nó “đúng qui định” thì thật hết nói nỗi.
Nếu cái gì cũng phải “đúng qui trình, đúng qui định” thì chẳng phải “đầu sỏ” phải chịu mọi trách nhiệm chính là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hay sao ? Đừng nói là Bộ trưởng ở quá cao, quá xa (Bộ trưởng ở Hà Nội, đám lính ở Cà Mau) nên không liên quan và không chịu trách nhiệm. Có cái qui định nào về quản lý Y tế mà không qua tay Bộ trưởng ? Do vậy, cái “qui định” mất hết tính người mà Sở Y tế Cà mau nói đến, chắc chắn có liên quan tới bà Bộ trưởng và bà cũng phải có trách nhiệm. Còn với những người làm ở Sở Y tế Cà Mau, ăn lương mà không thấy nghẹn ?
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà chỉ 1 cái ắt-xì của Ngọc Trinh cũng được lên báo và mọi người đua nhau phân tích xem cô ấy đã đi bệnh viện hay chưa (ví von vậy thôi). Còn những chuyện như thế này thì chả ai quan tâm, giống như kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”. Nếu không tạo đủ áp lực và báo chí không vào cuộc thì có lẽ cơ hội bà Bộ trưởng “liếc mắt trông ngang thấy tờ đơn” cũng chẳng có. Hơn ai hết, em hiểu rõ nỗi đau của anh, anh Diện ạ, và hy vọng anh sớm vượt qua để nuôi dưỡng bé thật tốt. Những người đáng ra phải chịu trách nhiệm, nếu dân đen chúng ta không làm gì được họ, thôi thì hãy để lương tâm và luật nhân quả phán xét. Mà nói ra cũng thiệt là hên, Luật nhân quả không qua tay bất cứ Bộ ngành nào, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Y tế nên mọi người hãy yên tâm, tuyệt đối công bằng !
Xin đăng lại bài thơ mà anh Diện làm cho người vợ đã mất :
Em mồ côi mẹ như anh
Cảm thông nên mối duyên lành từ đây
Yêu anh những tháng năm dài
Niềm vui thì ít, buồn vơi lại đầy!
Đã rằng duyên nợ sao đây,
Nhưng không, anh chẳng ra gì, em ơi!
Vì em, anh ở xứ người,
Nhưng lòng không dứt giữa đi hay về
Nguồn cơn của khối hững hờ
Em buồn trong những đêm dài đợi mong
Yêu anh, em đã nhủ thầm:
Mai này ta hiểu tấm lòng của nhau…
Em ơi đã thỏa nguyện đâu
Mà đi vội vã để sầu cho anh
Em đi khi mái đầu xanh
Đêm trường luống những mình anh lạnh lùng
Đáng đời anh, phải không em
Đến không trân trọng, đi buồn lụy chi?
Ở đời, anh kẻ dở hơi
Em mang oan khuất về nơi suối vàng
Ra đi thanh thản nghe em
Nợ em, anh trả nơi con chúng mình!
Bài viết hay quá vinh ơi
Sau 2 tháng vắng tin bài của V. Hôm nay AHX trở lại với 1 bài viết quá xúc động. Cảm ơn V đã post bài viết này, tôi sẽ Share bài của bạn cho nhiều người cùng đọc. Cảm ơn bạn.
Xin được cảm ơn Vinh đã vì trường hợp của mình và chân lý!
Mong anh sớm hồi phục và chăm sóc bé thật tốt !
Cảm ơn Vinh thật nhiều, mình thấy ấm lòng lắm.
Chúc anh và bé luôn sống khỏe!
Cảm ơn bạn đã có lời sẻ chia!
Hay lắm cám ơn anh Vinh nhìu lắm.Thầy hãy cố gắng lên Thầy nha.
Bài viết rất hay và ý nghĩa. Cam on bạn.
E đồng cảm vs những j trong bài viết nhưng có điều e hk muốn chữ ngành y tế. Đâu phải ai như thế. Nói như z có thiên lập về 1 phía quá hk? E thương cô và thầy lắm nhưng cũng yêu nghề và k muốn ai nói đến nó trong khi vụ việc này đâu phải là tất cả các bác sĩ đều có lỗi!!!!! Mong xem lại.
Chào em,
Có thể do em quá nhạy cảm hoặc anh quá hấp tấp khi đặt tiêu đề bài viết. Anh không có ý vơ đũa cả nắm đâu, cái chủ yếu mà anh muốn đề cập tới là cái “qui định” mà Sở Y tế Cà Mau nói đến và cái người đã “xem xét” cái tờ đơn đó. Còn việc bác sĩ làm sai hay đúng anh không đề cập đến cũng như việc tất cả những ai làm trong ngành y tế đều phải thấy “nghẹn” khi ăn lương -> hoàn toàn ko có ý đó nhé.
Tuy a không thể sửa lại tiêu đề bài viết nhưng sẽ đính chính cái tiêu đề ở dòng đầu tiên của bài viết vì ý kiến của em không hẳn là không đúng 🙂
Cám ơn bài viết rất ý nghĩa và nhiều động viên của anhhangxom
Chúc anh Diện và con anh sẽ vượt qua được nỗi mất mát và sống tốt.
Điều 7. Trình tự khiếu nại
1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Bài viết hay lắm! Và rồi tôi k hiểu dân mình còng lưng nuôi ông thanh tra ngành để làm gì? Nếu chỉ để xem xét như công văn trả lời vậy thôi thì hơi phí nhỉ! Hỏi xem một tháng của ông bao nhiêu giạ lúa của dân mà vô cảm vậy? Sự việc còn chưa dừng lại ở đó vì cái người soạn ra quy định về cái thẩm quyền này còn cao hơn ông ta cơ!☹
Mong thầy XUÂN-DIỆN cố gắng vượt qua nỗi đau và cảm ơn bài viết rất hay cùa AHX.
Hay lắm AHX !!! Cầu cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến với anh Diện .
tao lao qua
bít thì nói không bít thì dựa cột mà nghe có biết rõ nguyên nhân cái chết không mà đứng đó mà phán hả… tui không bênh vực ai nhưng người này là ở xứ tôi sống và tôi cũng quen một vài người trong bệnh viện đó tâm sự lại sau sự cố đó…. người mẹ đó mất 1 phần la do bệnh lý của bản thân chứ không phải là do bác sĩ thất trách gì cả… bản thân vợ tui đẻ cũng chính những người đó mổ đây … đừng có đi đâu cũng phán kiểu đó… không phải ai cũng như ông nghĩ đâu … ếch ngồi đái giếng …..
Chú ni hổ báo quá nhỉ?
Để mình nói lại cho bạn hiểu. Bạn làm ơn xuống đáy giếng ngồi > cầm theo laptop hoặc máy tính bảng > kết nối wifi và truy cập vào anhhangxomonline.net > vào bài viết này > rồi đọc kỹ 10 lần giúp mình, sau đó chỉ ra giúp : chỗ nào trong bài viết này qui trách nhiệm cho các bác sĩ và y tá trong việc gây ra cái chết cho sản phụ ?
Mục tiêu của bài viết này là cái gọi là “qui định/qui trình” làm việc. Khi xảy ra sự cố liên quan tới mạng người mà cơ quan chủ quản là Sở Y tế không tiến hành điều tra nguyên nhân. Nếu đúng qui trình nó phải như vậy thì hoàn toàn vô tình và Bộ Y tế nên thay đổi nó, ngay-và-luôn.
ếch ngồi đáy giếng nhìn mây
chỉ kêu inh ỏi biết gì thế nhân
chung quy là lủ phàm trần
cất giọng “Khuyển Mã” nói gần nói Xa.
Thơ hay 🙂
Cảm ơn bài viết đã chạm đến trái tim nhiều người, nhưng cũng có nhiều người có tim bằng … đá phế liệu nên cũng chẳng bao giờ chạm tới được!
Những bài báo như thế này thật là hiếm vì tác giả viết cho mọi người, hiếm vì sự rõ ràng trong phân biệt phải trái, hiếm vì nó không đi theo đúng “lộ trình và quy trình”.
Mỗi chúng ta đều chỉ biết thở dài, làm bài thơ như anh Diện, cùng lắm là một hành vi mà bị cho là ” có bế tắc trong cuộc sống”.
Có biết bao nhiêu cái cười ra nước mắt, nhưng mà không làm gì khác được ngoài việc phải kiếm sống, phải tự có một góc nhìn khác nhưng không được tự khinh mình dù có là thường dân. Nhưng phải biết phân biệt đâu là tà, chính.
Viên thuốc có cõng BHYT khác với viên thuốc ngoài, viên thuốc ngoài thật hơn và minh bạch hơn vì nó sòng phẳng.
Ôi một đất nước chuyên nhập khẩu rác thải, nghi kỵ và xuất khẩu tinh hoa, niềm tin
Cám ơn AHX và bài báo rất nhiều! Cám ơn những hàng xóm tốt bụng.