Ôi Thịt rừng, là những niềm đau !
Còn nhớ vài năm trước, tôi chưa từng biết đến trên đời có một thứ thịt gọi là thịt rừng, mà đại diện chiếm đa số là heo rừng và nai rừng. Cho tới khi được nếm thử miếng heo rừng đầu tiên, tôi được gia chủ khẳng định là heo rừng 100%, hiếm và mắc. Lúc đó, tôi mới biết đến giá trị của thịt rừng.
Khỏi phải nói, thịt của những con vật sống tự nhiên bao giờ cũng thơm ngon hơn thịt của những con vật được con người chăn nuôi vì chúng nó tự đi kiếm thức ăn tự nhiên trong rừng và tập thể dục hằng ngày. Vậy nên khi “thịt ta” vướng hàng loạt các vụ bê bối thì thịt rừng, vốn đã “cao sang”, càng thêm đắt giá. Nó dần trở thành một món quà biếu sang chảnh ở thành phố.
Tết này, tôi có dịp về lại Vũng Tàu và vô tình gặp lại một người quen năm xưa ở nhà của Chú tôi. Thế là một bữa tiệc diễn ra, vừa là để ăn mừng đầu năm, vừa là dịp gặp gỡ bạn bè. Có hai món chính trong tiệc nướng đó là thịt heo rừng và nai rừng do chính người bạn này mang từ Đắk Nông xuống. Thực ra thì mỗi lần về Vũng Tàu, tôi đều được ông Chú đãi món thịt rừng luôn có sẵn trong ngăn đông tủ lạnh. Cứ hết là gọi lên nhờ thằng em Vợ trên Đăk Nông nó mua giùm rồi gửi về, nhưng phải đợi có khi 1 tháng mới có hàng.
Nhắc đến thịt rừng, ai cũng chỉ nghĩ xem đó là thịt rừng thật hay giả. Nếu là thịt rừng thật thì rất vui mừng và an tâm. Nhưng bạn đâu biết rằng, ăn thịt rừng thật chính là con đường nhanh nhất lên bàn thờ !!!
“Hôm đó thợ săn mang về 2 con nai rừng nhưng khi mình đề cập mua thì họ gạt phăng : 2 con này mày không ăn được. Để đợt sau nha !”
Trên bàn nhậu hôm đó, tôi được tiết lộ một sự thật mà có nằm mơ tôi cũng không hình dung nổi : Hai con nai rừng đó là hàng thật 100% được thợ săn bắn trong rừng về nên không bàn tới vấn đề thật giả ở đây. Cái chính là cả hai con nai rừng đều đã bị thợ săn chích thuốc, cụ thể ở đây là formol hay còn được gọi là thuốc ướp xác !
Tại sao thợ săn lại làm vậy ? Tôi hỏi và được trả lời : Cậu thử nghĩ xem, thợ săn đi vào rừng thường phải từ 1-2 ngày mới trở về vì họ sẽ đi sâu vào trong rừng mới có thú. Khi họ săn được con đầu tiên, giả sử là con nai, hổng lẽ vác nó theo hoặc quay trở về ngay lập tức và kết thúc chuyến săn bắn ? Không đâu ! Giải pháp là họ sẽ tiêm formol vào con nai, sau đó sẽ đào một cái hố, chôn nó xuống, đánh dấu và tiếp tục cuộc săn. Cho tới khi họ quyết định quay về thì may ra con cuối cùng mới thoát khỏi cảnh bị tiêm thuốc vì họ không cần phải chôn nó. Trên đường về sẽ đào những con bị chôn trước đó lên, kết thúc chuyến săn.
Vậy nên đa phần heo rừng, nai rừng hoặc những con to đều bị tiêm formol trước khi được bán cho dân buôn hoặc nhà hàng hoặc đem bán ở chợ. Vì “hàng sạch” đều được thợ săn để dành để bán lại cho anh em thân thuộc hoặc người quen dặn từ trước. Thịt rừng trên này không phải là hiếm nhưng mỗi lần anh hai (chú của tôi) dặn, phải từ 15-30 ngày mới có vài ký gửi về cho ổng vì không phải chuyến đi nào của thợ săn cũng mang về “thịt sạch”. Mà chỗ thân quen lâu năm nên tụi nó chỉ gọi khi có thịt ngon. Có lần tụi nó mang về hai con nhưng chỉ xẻ thịt bán cho mình con bên trái, con bên phải “để dành” bán cho hàng quán, nghe là hiểu rồi hén !
Từ cách đi rừng của các thợ săn bên trên, hẳn bạn cũng đoán ra miếng thịt rừng mà bạn đang ăn có bao nhiêu phần trăm là bị tiêm formol ? Nguy cơ là rất cao. Có thể nói, bỏ vào miệng miếng thịt rừng “sạch” phải dựa hoàn toàn vào yếu tố may mắn của người ăn 🙂 .Nếu như bạn không chắc chắn về nguồn gốc của thịt rừng thì tốt nhất là đừng ăn, đặc biệt là thịt các loại động vật được săn từ trong rừng.
Tết vừa rồi bạn có “lỡ” ăn miếng thịt rừng nào không ? 😀